Quyết tâm cắt giảm 20% chi phí cho doanh nghiệp

tháng 6 02, 2020

Quyết tâm cắt giảm 20% chi phí cho doanh nghiệp


(TBTCO) - Tại hội nghị “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19”, việc bàn về giải pháp hiện thực hóa quyết tâm cắt giảm 20% chi phí cho doanh nghiệp (DN) được quan tâm.

hội nghị
Hội nghị trực tuyến có sự tham dự của nhiều bộ, ngành, hiệp hội DN. Ảnh: T.T

Ngày 26/5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức hội nghị “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, TTHC giúp DN khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19”.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại 19 tỉnh, thành phố với hơn 1.000 đại biểu tham dự. Hội nghị do ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì cùng với ông Michael Greene - Giám đốc USAID tại Việt Nam.

Doanh nghiệp cần sử dụng dịch vụ công nhiều hơn

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Tiến Dũng cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội, nhiều DN, hộ kinh doanh phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên, trong điều hành, Chính phủ xác định lấy người dân và DN làm trung tâm, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và DN.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Sau 5 tháng hoạt động, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 395 dịch vụ công trực tuyến; có gần 33 triệu lượt truy cập; hơn 140 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 7,3 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 9.800 cuộc gọi, hơn 5.200 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, qua số liệu thống kê, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện nay tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công cao hơn rất nhiều DN. Do đó, ông đề nghị, DN cần tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ sẽ hỗ trợ DN.

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng chia sẻ một tin nhắn ông vừa nhận được. Theo đó, có cá nhân cho biết khi mình thông báo vui với bạn bè việc đổi bằng lái xe quốc tế mất 1,5 triệu đồng, “ai cũng khen rẻ”. Nhưng thực ra việc đổi bằng rất nhanh và không mất tiền. Đó chính là những ưu điểm của dịch vụ công trực tuyến, được người dân đánh giá cao.

Phải coi cải cách TTHC là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, DN hiện nay đứng trước nhiều thách thức, như nhu cầu thị trường, thiếu lao động… Khi chuỗi hàng hóa bị đứt gãy, DN mua hàng cho người nông ngư dân, thì lại nảy sinh việc thiếu kho hàng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, việc “gia tăng niềm tin” cũng đã khiến gia tăng đơn đặt hàng.

Ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho người dân; hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội VASEP để giúp nông ngư dân phục hồi sản xuất, trong khi một số thị trường trên thế giới đang phục hồi chậm hơn so với nước ta.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm 3%; đối với Việt Nam, GDP tăng khoảng 2,7%. Khả năng Việt Nam tăng trưởng hơn 5% không phải là bất khả thi, nếu trụ cột là cải cách TTHC. Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, DN còn gặp rất nhiều khó khăn, do đó, phải coi cải cách TTHC là động lực, góp phần đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao niềm tin của DN; giảm chi phí cho cả DN và bộ máy quản lý.

Theo ông Cấn Văn Lực, hiện nay, “chi phí cơ hội” và “chi phí không chính thức” là chi phí quan trọng, tác động mạnh tới DN, nếu TTHC nặng nề thì DN sẽ mất cơ hội kinh doanh.

Đại diện đến từ Ngân hàng BIDV cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với hơn 34 nghìn tỷ đồng; cho vay mới 343 nghìn tỷ đồng với hơn 16 nghìn DN, giảm lãi suất từ 0,5 - 1%. Ngân hàng BIDV cũng đã cải cách cơ chế, thủ tục, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân, cắt giảm các quy trình thủ tục theo hướng đơn giản hóa, giảm bớt khâu trung gian trong phê duyệt tín dụng. BIDV cũng đã thực hiện vay trực tuyến cho DN, chủ động khai báo thông tin và ngân hàng tư vấn trực tuyến.

Đại diện nhiều bộ, ngành cũng đã thông tin đến hội nghị những giải pháp trong thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tuy nhiên, không có DN gửi thắc mắc trực tiếp đến đại diện các bộ, ngành, mặc dù Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhiều lần gợi ý.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với doanh nghiệp ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cộng đồng DN “đề xuất ý tưởng, giải pháp để cả ngành, cả đất nước đi lên”.

Hiện nay, các DN đặc biệt là DNNVV vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả khảo sát 126.565 DN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có tới 85,7% số DN trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỉ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%...

Vẫn có tới 57,7% số DN bị ảnh hưởng cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh, 47,2% DN có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được./.

Artikel Terkait

Next Article
« Prev Post
Previous Article
Next Post »
Penulisan markup di komentar
  • Untuk menulis huruf bold gunakan <strong></strong> atau <b></b>.
  • Untuk menulis huruf italic gunakan <em></em> atau <i></i>.
  • Untuk menulis huruf underline gunakan <u></u>.
  • Untuk menulis huruf strikethrought gunakan <strike></strike>.
  • Untuk menulis kode HTML gunakan <code></code> atau <pre></pre> atau <pre><code></code></pre>, dan silakan parse kode pada kotak parser di bawah ini.

Disqus
Tambahkan komentar Anda

Không có nhận xét nào